40 tuần thai
Sự phát triển của thai nhi 11 tuần tuổi
Khi thai nhi 11 tuần tuổi mẹ bầu mang thai cần lưu ý các vấn đề sau
Tuần 11 là bản lề cho việc mẹ và cục cưng sắp chuyển qua chặng thứ 2 của thai kỳ với những khó khăn và mệt mỏi hơn. Thế nhưng, mẹ cũng đã dần quen với những thay đổi ở cơ thể và những cơn ốm nghén cũng đỡ rồi phải không nào? Nếu siêu âm trong tuần này, lần đầu tiên mẹ sẽ nghe được nhịp tim của bé lần đầu tiên, từ đó cảm nhận rõ ràng hơn trong chính cơ thể mình, có một mầm sống đã hiện hữu và lớn lên từng ngày. Kể từ đây, thai nhi sẽ phát triển đến “chóng mặt” nên hãy cùng xem mẹ và bé yêu sẽ có những thay đổi như thế nào trong tuần 11 nhé.
Những thay đổi ở mẹ – khi thai nhi 11 tuần tuổi
Tuần này, mẹ đã có dáng mẹ bầu hơn rồi đó. Bụng mẹ bắt đầu to lên và nếu đây là lần mang thai con rạ, bụng mẹ sẽ còn to hơn lần mang thai đầu tiên.
Tử cung đã có kích thước bằng một quả bưởi, bác sĩ đã có thể cảm nhận được phần đáy tử cung ở bụng dưới của mẹ nên mẹ sẽ thấy nặng nề hơn mỗi khi ngồi xuống và thường cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày.
Cẩn thận với cơn ác mộng mang tên “táo bón” mẹ nha. Đây là một triệu chứng rất phổ biến trong thai kỳ nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mẹ có chế độ ăn hằng ngày nhiều chất xơ, uống nhiều nước và vận động phù hợp.
Cùng với cân nặng đã tăng kha khá, mẹ sẽ nhận thấy ngực trở nên to hơn. Điều này sẽ còn tiếp diễn vì ngực cần thay đổi để điều tiết sữa cho bé bú nên mẹ cố gắng quen với sự khác lạ này nhé.
Mẹ có thể bị nghẹt mũi, chảy máu cam hay ù tai do sự gia tăng lưu lượng máu qua niêm mạc mũi.
Những thay đổi của thai nhi 11 tuần tuổi
Đến tuần 11, bé đã to bằng kích thước một trái quýt, dài 5cm, nặng khoảng 15g với phần đầu chiếm gần một nửa kích thước cơ thể và khuôn mặt gần như đã hoàn thành.
Toàn cơ thể bé được bao phủ bởi lớp lông tơ, giúp bảo vệ làn da khi bé bơi trong môi trường nước ối.
Tai ngoài của bé dần phát triển hoàn thiện hơn. Xương sống phát triển nhanh nên phần cổ bắt đầu kéo dài.
Có những cử động phức tạp hơn ở tay và chân. Ngón tay bé có thể xòe ra cụp vào còn ngón chân đã cử động được.
Lúc này, hệ thống thần kinh của bé đã phát triển. Số lượng các tế bào thần kinh cứ tăng theo cấp số nhân, các khớp kết nối các dây thần kinh não cũng được hình thành. Nhờ vậy, bé bắt đầu có nhiều phản xạ hơn. Thanh quản của bé cũng được hình thành.
Song song đó, hệ thống mạch máu cũng phát triển nhanh chóng cả về “chất” lẫn “lượng” để đảm bảo nhu cầu vận chuyển dinh dưỡng từ mẹ sang bé.
Dây rốn tuần này bắt đầu cuộn hơn. Ruột phát triển rất nhanh và đang được sắp xếp vào trong khoang bụng.
Tuy vài tuần nữa mới biết được giới tính của bé nhưng mẹ đừng vội, cơ quan sinh sản của bé cũng đang phát triển rất nhanh đấy.
Lời khuyên cho mẹ – khi thai nhi 11 tuần tuổi
Dùng nhiều rau xanh, ngũ cốc, cam, chanh và các cây họ đậu vào thực đơn để chống táo bón vì đây là các thực phẩm có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và điều trị táo bón rất tốt.
Một ly sữa nóng, si-rô hay sữa chua trái cây thay cho cà phê sữa thường uống vừa bổ cho mẹ và bé vừa giúp giảm các cơn ợ nóng.
Mẹ có thể chia 3 bữa ăn chính thành 5 – 6 bữa/ ngày. Điều này sẽ giúp mẹ không bị đói, tránh tình trạng bụng đói làm mất lượng đường trong máu mất bất ổn.
Mang nhiều khăn giấy trong người để đề phòng các trường hợp chảy máu cam bất ngờ.
Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, tắm nước ấm, massage sẽ giúp mẹ đỡ đau đầu, giảm mệt mỏi
Đã đến lúc, mẹ có thể dạo quanh các cửa hàng và tìm mua các loại quần áo bầu. Trang phục rộng rãi sẽ giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều đấy.
Bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu để chào đón bé ngay từ bây giờ sẽ giúp tránh được những bỡ ngỡ và vất vả, nhất là ở những mẹ có cục cưng đầu tiên.
Một điều rất quan trọng trong suốt thai kỳ, đó là mẹ nên thực hiện chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng có bổ sung acid folic và các dưỡng chất khác như sắt, canxi… theo liều lượng cho phép để bé phát triển khỏe mạnh và kiểm soát cân nặng hợp lý. Mẹ nên sử dụng các sản phẩm sữa như Dielac Mama hay Optimum Mama chứa acid folic cần thiết trong quá trình phát triển hệ thần kinh để ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi nhé. Chúc mẹ cùng bé trải qua một thai kỳ khỏe mạnh và đáng nhớ!
BS Nguyễn Thị Ngọc Thanh – VNM