Bệnh lý

Giãn tĩnh mạch ở chân khi mang thai

Tôi đang mang thai tháng thứ 7. Thời gian gần đây tôi thấy chân bị sưng phù và thấy trên chân xuất hiện những mạch máu màu đỏ nổi lên. Đồng nghiệp của tôi nói tôi bị giãn tĩnh mạch chân. Điều đó có đúng không? Tôi nên làm gì để khắc phục tình trạng trên?(Tyneesha)

Bác sỹ Rupal Christine Gupta – Trung tâm Truyền thông Nemours về lĩnh vực chăm sóc y tế cho trẻ em (Nemours Center for Children’s Health Media), trả lời:

Chào bạn!

Giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch) là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Giãn tĩnh mạch xảy ra khi áp lực của tử cung lên tĩnh mạch lớn làm cản trở máu lưu thông từ tim tới chân. Giãn tĩnh mạch có thể khiến bà bầu bị ngứa ngáy, khó chịu thậm chí là đau đớn. Có nhiều loại giãn tĩnh mạch như giãn tĩnh mạch chân, giản tĩnh mạch vùng sinh dục, giãn tĩnh mạch trực tràng (bệnh trĩ là một loại giãn tĩnh mạch).

Giãn tĩnh mạch có thể do di truyền, bởi vậy nếu mẹ hoặc bà của bạn bị giãn tĩnh mạch khi mang thai thì bạn cũng có nguy cơ phải đối mặt với nó. Ngoài ra, nếu bạn bị giãn tĩnh mạch trong lần đầu mang thai thì bạn cũng có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch trong những lần mang thai tiếp theo. Giãn tĩnh mạch do di truyền thường không thể phòng ngừa.

giãn tĩnh mạch ở chân
Giãn tĩnh mạch chân là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai

Khi bị giãn tĩnh mạch, bạn có thể thực hiện một số cách sau để giảm đau:

– Thường xuyên vận động và di chuyển.

– Không vắt chéo chân khi ngồi.

– Nâng cao chân nếu bạn phải ngồi thường xuyên.

– Sử dụng tất y khoa khi bị giãn tĩnh mạch. Khi mang tất với áp lực phù hợp, các van tĩnh mạch bị hở (giãn) sẽ khép kín trở lại và cải thiện dòng máu từ tĩnh mạch trở về tim, giảm nhẹ các triệu chứng của giãn tĩnh mạch và phòng ngừa sự hình thành của huyết khối. Khi sử dụng tất y khoa nên kiểm tra thường xuyên xem tất có bó chặt gây đau hay kẹp vào da tại nơi miệng tất, vì nó có thể làm gián đoạn tuần hoàn máu và khiến người bệnh có nguy cơ bị huyết khối. Nếu tất chật và làm bạn khó chịu thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để đổi size tất.

– Tập thể dục hàng ngày.

– Ngủ nghiêng sang bên trái để giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch chủ dưới ở phía bên phải), do đó làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân.

– Nếu bạn nhận thấy tĩnh mạch cứng hoặc sưng đỏ, đau đớn và hình thành một số cục máu đông (huyết khối) thì tốt nhất nên gặp bác sỹ để được thăm khám và điều trị.

Tình trạng giãn tĩnh mạch thường cải thiện sau khi sinh. Bởi vậy bạn không cần quá lo lắng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Tags

Lương Hiền

Báo Điện tử Gia đình Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close