Mang thai

Các thắc mắc thông thường về que thử thai và cách thử thai

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ THỬ THAI

Mẹ nào đang mong “tin vui” mà lại chẳng muốn nhìn thấy “2 vạch đỏ chói” trên chiếc que thử thai? Cũng chỉ là một loại xét nghiệm y tế thông thường, nhưng vì sao việc thử thai lại đặc biệt với người phụ nữ, người mẹ đến vậy? Ta hãy tìm hiểu thêm một chút về nó nhé!
Thử thai là gì & nó hoạt động ra sao?
Thử thai là phương pháp xét nghiệm xác định thai kỳ dựa trên sự có mặt của hormone human chorionic gonadotropin (hCG) trong nước tiểu. Hormone này được sản sinh ngay sau khi trứng được thụ tinh bám vào thành tử cung.
Hiện tượng này thường xảy ra trong khoảng 6 ngày sau khi thụ thai thành công. Nếu bạn có thai, nồng độ hCG sẽ tiếp tục tăng nhanh, tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.
Có những cách thử thai nào?
Có 2 loại thử thai chính có thể cho biết bạn có mang thai hay không là thử nước tiểu và thử máu.
Thử thai bằng mẫu nước tiểu có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại phòng khám. Phần lớn phụ nữ thử thai tại nhà sau khoảng một tuần trễ kinh. Thử thai tại nhà là hình thức xét nghiệm thực sự đem lại sự thoải mái và riêng tư.
Các sản phẩm thử thai tại nhà được sản xuất với hướng dẫn sử dụng chi tiết và hoàn toàn có thể thực hiện đơn giản tại nhà. Chỉ cần tuân theo đúng chỉ dẫn, bạn đã có thể có được kết quả thử thai khá chính xác. Sau khi thử thai tại nhà, bạn có thể xác nhận lại kết quá bằng cách đi khám, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm có độ nhạy cao và cho kết quả chính xác hơn.
Thử thai bằng mẫu máu được thực hiện ở các phòng khám chuyên khoa, và ít được sử dụng hơn so với thử thai bằng nước tiểu. Thử thai bằng mẫu máu có thể phát hiện thai ở ngày 6-8 sau rụng trứng, tức là sớm hơn so với thử nước tiểu tại nhà. Nhưng biện pháp này lại cho kết quả lâu hơn so với que thử thai tại nhà.
Đối với thử máu, có hai loại xét nghiệm được áp dụng:
Xét nghiệm hCG cơ bản chỉ kiểm tra xem có sự có mặt của hCG trong máu hay không, và chỉ cho kết quả “có” hoặc “không” đối với câu hỏi “Bạn có thai không?”. Bác sĩ thường chỉ định loại xét nghiệm này để xác nhận thai sớm vào khoảng 10 ngày sau khi trễ kinh, mặc dù loại xét nghiệm này có thể phát hiện hCG sớm hơn nhiều.
Xét nghiệm beta hCG có thể đo lường chính xác lượng hCG trong máu và có thể cho kết quả cả với nồng độ hCG còn rất thấp. Vì các xét nghiệm này có thể đo lường được nồng độ hCG, chúng có thể hữu ích trong việc theo dõi một số vấn đề trong thai kỳ. Chúng cũng có thể được dùng để sàng lọc thai ngoài tử cung hoặc để giám sát phụ nữ sau sảy thai khi mức hCG sụt giảm nhanh.
Kết quả thử thai chính xác đến đâu? Bạn cần biết rằng để có kết quả thử thai chính xác nhất, bạn nên đợi khoảng 1 tuần sau khi kinh nguyệt không trở lại như thường lệ. Kết quả thử thai cũng có thể chính xác hơn nếu bạn thực hiện vào buổi sáng ngay khi vừa ngủ dậy vì lúc này nước tiểu đầu ngày của bạn đậm đặc hơn.
Phương pháp thử thai bằng nước tiểu tại nhà có thể cho kết quả chính xác đến 97%, trong khi phương pháp thử máu cho kết quả còn chính xác hơn thế.
Độ chính xác của kết quả thử thai tại nhà phụ thuộc vào các yếu tố sau:
– Bạn có tuân thủ chỉ dẫn của dụng cụ thử thai hay không.
– Thời điểm rụng trứng và có hiện tượng làm tổ sau thụ tinh.
– Thời điểm bạn thử thai sau khi đậu thai.
– Độ nhạy của dụng cụ thử thai
que thử thai, tin vui, mang thai
Que thử thai của các thương hiệu có thể có cách hiển thị kết quả khác nhau
Thử thai ở nhà có khó khăn và đắt đỏ?
Bạn có thể mua dụng cụ thử thai tại nhà ở các nhà thuốc mà không cần có toa bác sĩ. Giá bán tuỳ thuộc vào thương hiệu nhưng nhìn chung không đắt, que thử phổ biến vào khoảng 10.000 – 20.000 đồng, các dụng cụ thử thai điện tử hoặc sản phẩm nhập ngoại có thể đắt hơn với giá dao động trong khoảng 8 – 20 đô-la Mỹ (khoảng 160.000 – hơn 400.000 đồng.)
Thử thai tại nhà khá nhanh chóng và dễ dàng. Chúng cũng cực kỳ chính xác nếu bạn tuân thủ chỉ dẫn một cách cẩn thận. Thông thường các loại dụng cụ thử thai tại nhà có cách sử dụng tương tự nhau. Bạn có thể thử thai trên mẫu nước tiểu theo 1 trong 3 cách sau:
– Đưa và giữ que thử giữa dòng nước tiểu (tức là bạn đi tiểu trực tiếp vào que thử.)
– Lấy nước tiểu vào cốc đựng mẫu và nhúng que thử vào.
– Lấy nước tiểu vào cốc đựng mẫu và dùng ống nhỏ giọt nước tiểu lên que thử.
Với cả 3 cách trên, bạn cần đợi vài phút để xem được kết quả. Tuỳ vào loại dụng cụ thử thai bạn sử dụng, kết quả có thể hiển thị bằng ký hiệu vạch, màu sắc hoặc dấu “+/-“. Các dụng cụ thử thai điện tử có thể hiển thị thông báo rõ ràng bằng chữ trên màn hình rằng bạn “có thai” hay “không có thai”.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về việc thử thai cũng như kết quả thử thai, hãy hỏi bác sĩ hoặc nhờ tư vấn theo số điện thoại nhà sản xuất ghi trên hộp đựng dụng cụ thử thai của bạn.
Kết quả thử thai có ý nghĩa gì?
Như mọi xét nghiệm y khoa, dụng cụ thử thai sẽ cho bạn một trong hai kết quả: dương tính hoặc âm tính.
Nếu kết quả là dương tính, bạn đã có thai (xin chúc mừng!). Đây thường là kết quả chính xác mặc cho vạch (hoặc dấu hiệu) trên kết quả có màu sắc hay độ đậm nhạt thế nào. Nếu bạn nhận được kết quả dương tính, chẳng có lý do gì để bạn không đặt hẹn khám với bác sĩ sản khoa cả.
Trong trường hợp hiếm gặp, bạn có thể có kết quả dương tính giả, có nghĩa rằng bạn không có thai nhưng vẫn cho kết quả thử thai dương tính. Hiện tượng này xảy ra khi trong nước tiểu của bạn có lẫn máu và protein. Một số loại dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống co giật hoặc thuốc ngủ có thể khiến dụng cụ thử thai cho kết quả dương tính giả.
Nếu kết quả là âm tính, nhiều khả năng bạn không có thai. Dù vậy, bạn vẫn có thể mang thai nếu:
– Dụng cụ thử thai quá hạn sử dụng.
– Sử dụng dụng cụ thử thai không đúng cách.
– Thử thai quá sớm.
– Mẫu nước tiểu quá loãng do bạn uống khá nhiều nước ngay trước khi thử thai.
– Bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc kháng histamin (thuốc dị ứng).
Nếu bạn có kết quả thử thai âm tính, hãy thử thai lại trong một tuần sau đó để kiểm tra lại. Một số nhà xuất dụng cụ thử thai khuyên bạn nên thử thai lại một lần nữa dù cho kết quả lần đầu như thế nào.
Nếu hai lần thử thai của bạn cho kết quả khác nhau? Hãy đặt hẹn khám với bác sĩ. Xét nghiệm máu lúc này là phù hợp để xác nhận kết quả thử thai của bạn.
Tags

Lương Hiền

Báo Điện tử Gia đình Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close