Ung thư tuyến tiền liệt có các dấu hiệu về đường niệu đạo như tiểu khó, rối loạn về tiêu hóa, đau ở vùng bụng dưới. Điều trị nội tiết, hóa chất, tia xạ và phẫu thuật là 4 phương pháp điều trị thông thường. Chi tiết xem ở bài viết.
Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt hay còn có tên gọi là ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt là một tuyến trong hệ sinh dục của nam. Tuy phát triển chậm nhưng ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như xương và các hạch bạch huyết. Khi bị mắc ung thư tuyến tiền liệt người bệnh có cảm giác đau đớn và khó khăn mỗi khi đi tiểu, quan hệ tình dục gặp nhiều vấn đề, chức năng cương dương bị rối loạn… Bệnh càng ở giai đoạn muộn các triệu chứng càng rõ ràng
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Chủng tộc
Ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện phổ biến ở những đàn ông Mỹ gốc Phi và ở vùng Caribbean hơn so với các chủng tộc khác. Nhóm người này có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao gấp hai lần so với người da trắng.
Địa lý
Ung thư tuyến tiền liệt là phổ biến nhất ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia, và vùng Caribbean, ít phổ biến ở châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tiền sử gia đình
Tiền sử gia đình cũng là một trong những yếu tố liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Đàn ông có bố hoặc anh em bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc căn bệnh này.
Biến đổi gen bất thường
Các nhà khoa học đã tìm thấy một số biến đổi gen di truyền được cho là có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Các đột biến di truyền của gen BRCA1 hoặc BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng ở một số gia đình. Các đột biến ở các gen này cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở một số nam giới.
Đàn ông mắc hội chứng Lynch (một loại bệnh di truyền có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng) sẽ gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt.
Chế độ ăn uống không hợp lí
- Vai trò chính yếu của chế độ ăn uống trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt chưa được chứng minh rõ ràng, tuy nhiên một số yếu tố đã được nghiên cứu và xem xét.
- Nam giới ăn nhiều thịt đỏ hoặc các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nếu những người này cũng có xu hướng ăn ít trái cây và rau quả thì càng làm tăng nguy cơ cao hơn.
- Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng đàn ông tiêu thụ nhiều canxi (thông qua thực phẩm hoặc bổ sung bằng thuốc) cũng dễ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Làm việc trong môi trường độc hại
Có một số bằng chứng cho thấy nhân viên cứu hỏa tiếp xúc với các phế phẩm cháy độc hại có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Những dấu hiệu do di căn
Những biểu hiện lâm sàng để có thể chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt rất đa dạng. Nếu những dấu hiệu về đường niệu là những dấu hiệu hàng đầu thì trên thực tế lại không phải như vậy. Trong nhiều trường hợp những biểu hiện gây nên bởi di căn lại là những dấu hiệu xuất hiện đầu tiên, trong khi những dấu hiệu đường niệu tại chỗ lại làm cho bệnh nhân không chú ý, vì những biểu hiện đó tiến triển âm thầm, kín đáo, hoặc biểu hiện ra ngoài nhưng bị coi nhẹ.
Dấu hiệu về đường niệu đạo
Những dấu hiệu đường niệu như tiểu khó kèm theo đau toàn vùng niệu đạo, tầng sinh môn hoặc hậu môn khi đi tiểu xong, với đặc trưng chủ yếu là khó tiểu, nước tiểu trong.
Ngoài ra ở những giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có dấu hiệu đái rắt lúc đầu thì về đêm, sau đó cả về ban ngày. Tiểu ra máu cũng là một trong những dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên trường hợp này ít gặp hơn. Nguồn gốc của tiểu ra máu là từ niệu đạo – tuyến tiền liệt. Đa số trường hợp bệnh nhân tiểu ra ít máu, có tính chất nhỏ giọt và hiện tượng này tái đi tái lại nhiều lần.
Rối loạn tiêu hóa
Các biểu hiện ung thư tuyến tiền liệt khác gây nên do chèn ép tại chỗ – tại vùng như những rối loạn về đường tiêu hóa phản ánh sự lan tràn u về phía sau. Đó là dấu hiệu táo bón mạn tính, cảm giác buốt, mót rặn.
Đau ở vùng bụng dưới
Các dấu hiệu như đau khi xuất tinh, khó duy trì cương cứng trong chuyện “yêu” cũng là triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt nhưng không thường gặp.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn chỉ định đối với khối u khu trú tại chỗ, có khả năng phẫu thuật lấy toàn bộ tuyến tiền liệt, bệnh nhân không có các bệnh nặng khác phối hợp. Phẫu thuật cũng được áp dụng với trường hợp u tái phát sau xạ trị ngoài, xạ áp sát, không có di căn xa. Một số trường hợp phẫu thuật kèm theo vét hạch chậu. Lợi ích của phẫu thuật bao gồm kiểm soát được ung thư lâu dài, PSA giảm rõ rệt sau phẫu thuật, tiên lượng bệnh chính xác sau mổ.
Điều trị nội tiết
Điều trị nội tiết nhằm mục đích loại bỏ androgen là yếu tố kích thích sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Các phương thức bao gồm cắt bỏ tinh hoàn hai bên và dùng thuốc kháng androgen, có tác dụng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, sau khi đã cắt bỏ tinh hoàn, và có thể điều trị lâu dài.
Điều trị hóa chất
Chỉ định cho các trường hợp thất bại với điều trị nội tiết. Nói chung phương pháp này ít được áp dụng vì tính hiệu quả không cao.
Điều trị tia xạ
Điều trị tia xạ bao gồm xạ trị ngoài và xạ trị áp sát. Xạ trị ngoài không chỉ định với những bệnh nhân có tiền sử xạ trị tiểu khung, viêm trực tràng, tiêu chảy mạn tính mức độ vừa và nặng, dung tích bàng quang nhỏ. Xạ trị ngoài có thể phối hợp với điều trị nội tiết, xạ trị thêm hạch chậu nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn nặng. Xạ trị ngoài mang lại nhiều lợi ích như kiểm soát lâu dài được ung thư, giảm nguy cơ tiểu tiện không tự chủ, kiểm soát được ung thư tại vùng.
Xạ trị áp sát chỉ định trong trường hợp điều trị đơn thuần nếu bệnh ở giai đoạn đầu. Bệnh nguy cơ cao có thể phối hợp với xạ trị ngoài. Xạ trị áp sát giúp kiểm soát u tại chỗ, đối với điều trị đơn thuần, xạ trị áp sát điều trị nhanh hơn xạ trị ngoài.
- ung thư tuyến tiền liệt có chữa được không
- nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt
- ung thư tuyến tiền liệt là gì
- dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến