Bệnh lý

Triệu chứng của bệnh sỏi mật

Chào bác sỹ! Cách đây 7 năm trong 1 lần khám sức khỏe tôi phát hiện mình bị sỏi mật. Kích thước sỏi mật lúc đó là 23mm. Tuy nhiên lúc đó, sỏi mật không gây triệu chứng khó chịu nào nên tôi không điều trị. Thời gian gần đây, tôi hay bị đau quặn vùng bụng dưới bên trái không biết có phải do sỏi mật hay không. Quyết định không phẫu thuật sỏi mật trước đây của tôi liệu có đúng? Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi! Tôi cảm ơn bác sỹ!

TS. Martin Scurr – Trưởng ban Biên tập chuyên mục Y tế cho tờ Daily Mail, trả lời:

Chào bạn!

Sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn chắc của các thành phần có trong dịch mật, có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan (sỏi gan)… Hầu hết sỏi mật không gây triệu chứng (không đau, không nhiễm trùng…) nên nhiều người đi siêu âm tình cờ phát hiện có sỏi túi mật như trường hợp của bạn.

Triệu chứng phổ biến nhất của sỏi mật là đau bụng. Đau do sỏi mật xảy ra khi sỏi gây tắc nghẽn đường mật. Cơn đau thường khởi phát sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, hoặc vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Vị trí đau ban đầu có thể là hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và sau lưng. Cơn đau có thể âm ỉ nhưng cũng có thể rất dữ dội, kéo dài vài giờ cho đến vài ngày.

Bệnh sỏi mật
Triệu chứng phổ biến nhất của sỏi mật là đau bụng

Đối với việc không phẫu thuật loại bỏ sỏi mật cách đây 7 năm, tôi tin rằng bạn đã có quyết định đúng đắn. Bởi không phải ai có sỏi mật cũng phải phẫu thuật, có rất nhiều người có thể sống chung hòa bình với nó. Thông thường phẫu thuật chỉ được tiến hành khi sỏi đầy túi mật, gây viêm sốt, tắc mật hoàn toàn và điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả, hoặc có nguy cơ gây biến chứng như viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp, vỡ túi mật.

Trong trường hợp của bạn, bạn bị đau bụng dưới bên trái và đau trong thời gian ngắn không phải là dấu hiệu của cơn đau do sỏi mật. Nguyên nhân khiến bạn bị đau vùng hạ sườn dưới bên trái có thể do một loại sỏi khác đó là sỏi niệu quản.

Sỏi niệu quản là sỏi thường di chuyển từ thận xuống niệu quản, dạng nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu. Sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.

Ngoài ra, đau bụng dưới bên trái cũng có thể do các vấn đề ở đại tràng. Do vậy, để xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng bạn cần phải đến bệnh viện để thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Tags

Lương Hiền

Báo Điện tử Gia đình Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close