40 tuần thai

Thai nhi bao nhiêu tuần tuổi thì chào đời?

Thời gian mang thai tương đối dài, bạn chỉ được cảm nhận bé yêu của mình lớn lên ngay bên trong bụng. Chắc hẳn bạn rất nôn nóng đến thời khắc được gặp đứa con yêu quý của mình. Thế nhưng khi nào thì bé được sinh ra? Hãy cùng chúng tôi đếm xem bao nhiêu tuần thì bé đủ tuổi gặp bố mẹ nhé.

Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ từ xưa đến nay, mẹ sẽ mang thai đủ 9 tháng 10 ngày là thai nhi sẽ được sinh ra. Như vậy, đứng ở góc độ y học thì như thế nào, có đúng 9 tháng 10 ngày hay không? Để biết chính xác nhất khi nào thai nhi sinh ra thì các mẹ cùng xem thông tin dưới đây để chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đón bé yêu nhé.

Thai nhi được sinh ra ở tuần thứ mấy?

Nếu đúng như câu nói của các cụ là 9 tháng 10 ngày tức 42 tuần là mẹ sẽ sinh bé ra. Thế nhưng thời điểm này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường, tâm lí và chế độ ăn uống của mẹ.

Chu kỳ của thai thường là 38 đến 40 tuần, nên bé sẽ ra đời vào thời gian này. Tuy nhiên có nhiều thai nhi sẽ lọt lòng sớm ở tuần thứ 36 hoặc trễ hơn vào tuần thứ 42.

Theo các bác sĩ phụ sản, nếu bé sinh ra vào tuần 39 đến 40, đó mới là thời gian tốt nhất vì bé đã đủ tuổi. Một thông tin nhắc nhở  đến những bạn sinh mổ do một số lý do ngoại lệ thì nên chọn sinh bé vào tuần 39, đó là thời điểm vàng tốt nhất dành cho bé.

Lưu ý, nếu là lần đầu mang thai, mẹ sẽ sinh sớm hơn 7 đến 10 ngày so với thời gian dự kiến. Khi thai nhi đến tuần thứ 36, mẹ nên nhờ bác sĩ theo dõi để có cách chăm sóc thai nhi tốt và biết được thời gian hạ sinh nhằm chuẩn bị tốt chào đón bé.

Những dấu hiệu của mẹ khi thai nhi sắp ra đời

Quá trình mang thai cơ thể mẹ sẽ có nhiều biển hiệu thay đổi cơ thể và nội tiết tố theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Khi thai gần đủ tuổi chào đời cũng thế, mẹ sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ khác lạ như sau:

  1. Ngừng tăng cân: vào cuối thai kỳ, mẹ sẽ ngừng tăng cân và có thể tụt cân nhưng mẹ yên tâm, điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
  2. Cơ thể đau nhức, uể oải và đau lưng: giai đoạn này do bụng ngày một to ra, khó di chuyển nên mẹ sẽ mệt mỏi, khó ngủ vào ban đêm. Các cơ xương háng, xương chậu giãn ra giúp mẹ sinh dễ vì thế sẽ gây đau nhức vùng bụng dưới và lưng.
  3. Tiêu chảy: mẹ sẽ đi tiêu lỏng hơn do tử cung hoạt động mạnh làm cho hệ tiêu hóa ngưng hoạt động, tuy nhiên đây là dấu hiệu bình thường cuối thai kỳ, mẹ đừng vội uống thuốc hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé.
  4. Sa bụng và cổ tử cung giãn nở mạnh: thời điểm gần sinh, thai nhi sẽ dịch chuyển xuống gần xương chậu gây cảm giác nặng nề phần dưới. Lúc này tử cung sẽ co thắt mạnh làm mẹ đau quặng phần lưng và bụng dưới, mẹ nên đến bác sĩ thăm khám xem cổ tử cung giãn như thế nào để biết mình sắp hạ sinh bé.
  5. Dịch nhầy thay đổi: cuộc vượt cạn sắp bắt đầu, âm đạo sẽ có dịch nhầy màu vàng nhạt, có thể lẫn tí máu và sền sệt hơn.
  6. Vỡ nước ối: đây thật sự là dấu hiệu cận kề nhất khi thai nhi sắp ra đời. Hiện tượng này sẽ xảy ra vài giờ trước khi sinh.

Khi thấy những dấu hiệu trên mẹ và người nhà cần báo ngay bác sĩ để kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng thời gian lâm bồn bắt đầu. Nhớ tính tuổi của thai nhi và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc bé yêu khỏe mạnh khi ra đời nhé.

 

Lương Hiền

Báo Điện tử Gia đình Mới
Close