Bệnh cơ xương khớpSức khoẻ
Cảnh giác với tình trạng đau bàn chân không rõ nguyên nhân
Đau bàn chân không rõ nguyên nhân là cách người ta thường dùng để chỉ triệu chứng đau nhức ở bàn chân xảy ra một cách bất thường, chưa xác định được nguyên do chính xác. Theo đó, hiện tượng này có thể đơn thuần do mệt mỏi, cũng có thể xuất phát từ những bệnh lý nghiêm trọng mà chúng ta không thể không cảnh giác.
Đau nhức xương bàn chân là hiện tượng phổ biến, hay gặp khi đi hoặc đứng liên tục trong khoảng thời gian dài. Thông thường, đây không phải vấn đề đáng lo ngại và tình trạng đau nhức sẽ thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau bàn chân không rõ nguyên nhân rất có thể là triệu chứng cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Chẳng hạn như:
Xơ vữa động mạch
Đau bàn chân liên quan tới xơ vữa động mạch thường có biểu hiện chân bị co rút khi đi bộ, leo dốc, chạy, thậm chí cả khi đi ngủ, kèm theo hiện tượng lạnh chân bất kể thời tiết. Ở bệnh nhân nam còn có thể gây rụng lông chân, suy giảm khả năng tình dục.
Đối với trường hợp này, cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa mạch để siêu âm và chụp cộng hưởng từ tương phản để kiểm tra chính xác mức độ nghiêm trọng trước khi đưa ra phác đồ điều trị. Đặc biệt lưu ý, bệnh nhân không được hút thuốc lá vì có thể gây tắc mạch, dẫn tới hoại tử chân.
Viêm nội mạc động mạch
Nội mạc động mạch là lớp trong cùng của động mạch. Ở bệnh này, triệu chứng dễ nhận thấy là hiện tượng bị đau nhói ở lòng bàn chân hoặc bắp chân sau khi đi bộ từ 50-100 bước, kèm theo biểu hiện tê cẳng chân, mất cảm giác. Khi dừng lại, cơn đau sẽ giảm, nhưng nhanh chóng tái phát khi bạn tiếp tục hoạt động.
Trường hợp cơn đau dữ dội thì bạn cần đến bệnh viện cấp cứu ngay đề phòng bị tắc động mạch chính. Bệnh có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật tùy vào tình trạng cụ thể.
Viêm khớp, thoái hóa khớp
Bệnh nhân có hiện tượng đau mu bàn chân và đau nhói các khớp khi đi bộ, cảm giác mệt mỏi rã rời khi đứng lâu. Xung quanh khớp bị sưng, tấy đỏ, khi hoạt động khớp kêu răng rắc và tình trạng đau tăng nặng khi thời tiết thay đổi.
Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khớp làm xét nghiệm máu, chụp X-quang khớp để xác định mức độ nghiêm trọng. Nhìn chung, muốn điều trị hiệu quả thì phải kết hợp nhiều phương pháp như uống thuốc, ăn kiêng, vật lý trị liệu…
Viêm cơ mạc bàn chân
Cơ mạc bàn chân thực chất là sợi dây chằng nói dài từ gót chân tới các ngón chân, thực hiện chức năng hỗ trợ chuyển động của bàn chân. Khi cơ mạc bàn chân bị viêm, bệnh nhân thường có biểu hiện đau nhức lòng bàn chân, gót chân theo mức độ nghiêm trọng dần.
Bệnh này dễ xảy ra ở người ít vận động, do độ co giãn của dây chằng hạn chế, dẫn tới cơ mạc bàn chân yếu. Bên cạnh đó, thừa cân, mang giày không phù hợp khiến áp lực lên chân quá lớn cũng có thể gây viêm cơ mạc bàn chân.
Viêm cân gan bàn chân
Dấu hiện phổ biến nhất của bệnh viêm cân gan bàn chân là hiện tượng đau gan bàn chân phải. Đây là bệnh lý rất dễ gặp ở người cao tuổi, béo phì, người vận động quá nhiều, hay chơi thể thao hay phụ nữ có thói quen mang giày cao gót,…
Bệnh nhân thường có biểu hiện gan bàn chân đau nhói vào buổi sáng sau khi vừa ngủ dậy. Bạn có thể kiểm tra bằng cách ấn mạnh ngón tay cái vào giữa gan bàn chân. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đứng dậy, cơn đau sẽ càng tăng và ngược lại, nó nhanh chóng thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi và xoa bóp nhẹ nhàng.
Loãng xương
Loãng xương là bệnh lý xảy ra chủ yếu ở người trung niên trở lên, do mật độ xương suy giảm dần bởi quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gặp ở những người trẻ tuổi bị thiếu hụt canxi. Ngoài đau bàn chân thì bệnh nhân còn thường xuyên bị chuột rút, đau dữ dội ở bắp chân và đau cột sống thắt lưng…
Ngoài ra, viêm xương sụn thắt lưng, gout, đái tháo đường hay dị tật ở chân đều có thể là nguyên nhân gây đau bàn chân. Xác định được nguyên nhân chính xác sẽ giúp bạn tìm ra cách chữa đau nhức bàn chân hiệu quả nhất./.